Tiêu chuẩn quốc gia Công trình quan trắc khí tượng thủy văn – Quy chuẩn quan trắc khí tượng thủy văn

Tháng mười một 29, 2021 - Danh mục: Tin tức

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) là một tổ chức chuyên môn của Liên hợp quốc. Tính đến năm 2004, WMO có 187 thành viên (quốc gia và vùng lãnh thổ). Với vai trò là tổ chức chuyên môn toàn cầu về khí tượng thủy văn, WMO đã đặt ra các tiêu chuẩn và quy chuẩn làm cơ sở thống nhất các hoạt động về khí tượng thủy văn trên toàn thế giới qua hệ thống các văn bản theo các hướng dẫn liên quan đến thiết bị đo đạc, phương pháp quan trắc, hướng dẫn thực hành và khoảng cách, chiều cao tối thiểu, tối đa từ vị trí công trình quan trắc đến các địa vật bằng các loại hình xác định để chỉ dẫn cộng đồng tại các hướng dẫn sau: Manual on the Global Observing System, Volume I – WMO No. 544,Manual on Marine Meteorological Services – WMO No. 558, Guide on the Global Observing System – WMO No. 488, Guide to Meteorological Instruments and Methods of Observation – WMO No. 8, Guide to Climatological Practices – WMO-No. 100, Guide to Hydrological Practices – WMO No. 168 và các văn bản khác có liên quan. Ngoài ra, với sự ra đời của Tổ chức tiêu chuẩn quốc tế (ISO), ở một số nước trên thế giới đã tiến hành xây dựng các quy chuẩn quan trắc khí tượng thủy văn trên cơ sở các Tài liệu hướng dẫn của WMO.

 

Hiện tại Bộ Khoa học và Công nghệ đã công bố 03 TCVN về công trình quan trắc khí tượng thủy văn và 03 TCVN quan trắc khí tượng thủy văn được quy định như sau:

– TCVN 12635-1:2019 Công trình quan trắc khí tượng thủy văn – Phần 1:

Vị trí công trình quan trắc đối với trạm khí tượng bề mặt

– TCVN 12635-2 : 2019 Công trình quan trắc khí tượng thủy văn – Phần 2: Vị trí công trình quan trắc đối với trạm thủy văn

– TCVN 12635-3 : 2019 Công trình quan trắc khí tượng thủy văn – Phần 3: Vị trí công trình quan trắc đối với trạm hải văn

– TCVN 12636-1 : 2019 Quan trắc khí tượng thủy văn – Phần 1: Quan trắc khí tượng bề mặt

– TCVN 12636-2 : 2019 Quan trắc khí tượng thủy văn – Phần 2: Quan trắc mực nước và nhiệt độ nước sông

– TCVN 12636-2 : 2019 Quan trắc khí tượng thủy văn – Phần 3: Quan trắc hải văn

Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tiếp tục trình ban hành 07 TCVN về quan trắc KTTV và tiêu chuẩn về thuật ngữ, ký hiệu và đơn vị đo các yếu tố khí tượng thủy văn.

  Báo cáo công tác bảo vệ môi trường

 

Theo quy định tại Điều 15 và điểm a khoản 1 Điều 16 Luật khí tượng thủy văn về nội dung bảo vệ công trình khí tượng thủy văn quy định: Xây dựng hồ sơ, chỉ giới đất, phạm vi hành lang kỹ thuật công trình. Theo đó, Chính phủ ban hành Nghị định 38/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Luật khí tượng thủy văn quy định tại Điều 6, Điều 7 và Điều 8.

 

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã ban hành một số Thông tư hướng dẫn thực hiện các hoạt động liên quan đến khí tượng thủy văn trong đó có hành lang kỹ thuật công trình, cụ thể:

– Thông tư số 25/2012/TT-BTNMT ban hành ngày 28 tháng 12 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Ban hành Quy chuẩn quốc gia về quan trắc khí tượng bề mặt;

– Thông tư số 26/2012/TT-BTNMT ban hành ngày 28 tháng 12 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Ban hành Quy chuẩn quốc gia về quan trắc thủy văn;

– Thông tư số 70/2015/TT-BTNMT ban hành ngày 23 tháng 12 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Quy định kỹ thuật đối với hoạt động của các trạm khí tượng thủy văn tự động;

– Thông tư số 05/2016/TT-BTNMT ban hành ngày 13 tháng 05 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Quy định nội dung quan trắc khí tượng thủy văn đối với trạm thuộc mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia;

– Thông tư số 43/2017/TT-BTNMT ban hành ngày 23 tháng 10 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định kỹ thuật về kiểm tra trạm khí tượng trên cao và ra đa thời tiết;

– Thông tư số 44/2017/TT-BTNMT ban hành ngày 23 tháng 10 năm 2017 của Bộ Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Quy định kỹ thuật về quan trắc ra đa thời tiết và ô dôn – bức xạ cực tím.

Tuy nhiên, các văn bản nói trên mới chỉ đưa ra được những yêu cầu về định tính và định lượng cho công tác bảo vệ hành lang kỹ thuật công trình khí tượng thủy văn, mà chưa đưa ra được những tiêu chuẩn cụ thể, chi tiết về vị trí xác định, nội dung cảnh báo đối với mốc giới, chỉ giới đất, chỉ giới không gian phạm vi kỹ thuật công trình của từng loại công trình khí tượng thủy văn trên hồ sơ và thực địa.

  Tác hại của bụi trong môi trường lao động

 

Từ những vấn đề nêu trên, so sánh giữa các quy định từ Luật khí tượng thủy văn năm 2015, Nghị định 38/2016/NĐ-CP ban hành ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định về bảo vệ hành lang kỹ thuật công trình khí tượng thủy văn và quy định tại Thông tư số 25/2012/TT-BTNMT ban hành ngày 28 tháng 12 năm 2012 của Bộ Tài nguyên và Môi trường Ban hành Quy chuẩn quốc gia về quan trắc khí tượng bề mặt; Thông tư số 26/2012/TT-BTNMT ban hành ngày 28 tháng 12 năm 2012 của Bộ Tài nguyên và Môi trường Ban hành Quy chuẩn quốc gia về quan trắc thủy văn; Thông tư số 70/2015/TT-BTNMT ban hành ngày 23 tháng 12 năm 2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường Quy định kỹ thuật đối với hoạt động của các trạm khí tượng thủy văn tự động; quy định tại các thông tư khác có liên quan, chưa cụ thể hóa định tính, định lượng, đều chưa có quy định đồng nhất, chưa sát với thực tế, khó vận dụng trong thực tiễn để thành lập, di chuyển trạm khí tượng thủy văn quốc gia và thực thi bảo vệ hành lang kỹ thuật công trình khí tượng thủy văn quốc gia.

 

Qua những quy định đã ban hành chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế của công tác quản lý nhà nước về hoạt động khí tượng thủy văn. Do đó, việc xây dựng TCVN “Công trình quan trắc khí tượng thủy văn – Phần 5: Mốc giới và Hành lang kỹ thuật công trình khí tượng thủy văn” là hết sức cần thiết, nhằm bổ sung cụ thể, đầy đủ hơn, thống nhất về vị trí, hình thức, quy cách, kích thước, phạm vi, nội dung cảnh báo và khả năng cho phép vận dụng hành lang pháp lý trong việc thi hành pháp luật về khí tượng thủy văn để bảo vệ và xử lý các vấn đề vi phạm hành lang kỹ thuật công trình khí tượng thủy văn, giúp đảm bảo cho các trạm đo khí tượng thủy văn hoạt động ổn định, liên tục và lâu dài đáp ứng được các quy định tại Luật Khí tượng Thủy văn phục vụ tốt công tác dự báo, cảnh báo thiên tai.