Sương mù dày đặc, Hà Nội đang bước vào chu kỳ ô nhiễm không khí

Tháng mười một 29, 2021 - Danh mục: Tin tức

Mùa đông đến cũng là thời điểm Hà Nội và các tỉnh miền Bắc bước vào chu kỳ ô nhiễm không khí, đặc biệt sáng sớm và chiều tối…

Những ngày gần đây, Hà Nội liên tiếp xuất hiện sương mùa bao phủ tới trưa. Theo phản ánh của người dân đi đường vào buổi sáng, nhiều trường hợp cảm nhận rõ hơi sương cuộn với mùi khét từ khói bụi gây cay mắt mũi…

Cập nhật chỉ số chất lượng không khí (AQI) theo thời gian thực của PAM Air vào 8 giờ sáng nay, 16/11 cho thấy, hàng loạt điểm đỏ xuất hiện ( AQI từ 151-200), một số điểm còn chuyển sang màu tím (AQI từ 201-300).

Cũng trong sáng ngày 16/11, Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội thông báo chất lượng không khí ở mức kém; nồng độ bụi mịn PM2.5 ở mức cao trở lại từ trưa 15/11. Theo đó, đơn vị này khuyến cáo nhóm người nhạy cảm như trẻ em, phụ nữ có thai, người già, nguời mắc bệnh hô hấp… có thể bị ảnh hưởng tới sức khỏe, nên hạn chế hoạt động ngoài trời.

Đối với người bình thường có thể xuất hiện các triệu chứng đau mắt, ho hoặc đau họng… nên cân nhắc giảm các hoạt động ngoài trời, đặc biệt sáng sớm và chiều tối.

Trước hiện tượng trên, trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Đào Nhật Đình, chuyên gia độc lập về môi trường cho biết, Hà Nội và các tỉnh miền Bắc lại đang rơi vào chu kỳ ô nhiễm không khí từ cuối tháng 10 tới hết tháng 4 năm sau.

  Thiết kế nơi làm việc phù hợp với lao động đứng

“Mùa đông tại miền Bắc thường lặng gió, thi thoảng có gió Đông Nam nhưng cũng không đủ mạnh để cuốn sạch bụi. Nếu tính theo chuỗi gió mùa Đông Bắc thì cứ đầu kỳ gió mùa về không khí sẽ sạch, còn cuối kỳ khi gió Bắc yếu ô nhiễm lại gia tăng; đặc biệt đêm và sáng sớm nồng độ ô nhiễm cực cao”, vị chuyên gia phân tích.

Mới đây, ngày 15/11 cơ quan Môi trường châu Âu (EEA) cho biết các ca tử vong sớm do ô nhiễm bụi mịn PM2.5 đã giảm 10%/năm trên khắp châu Âu, nhưng “kẻ giết người vô hình” này vẫn gây ra 307.000 ca tử vong sớm mỗi năm.

Còn theo WHO, ô nhiễm không khí gây ra 7 triệu ca tử vong sớm hằng năm trên toàn cầu – ngang với hút thuốc và chế độ ăn thiếu dinh dưỡng.

Trước những số liệu thống kê đáng báo động, WHO lần đầu tiên đã siết chặt hạn chế được khuyến nghị về các chất gây ô nhiễm không khí lớn kể từ năm 2005.