Vận hành thử nghiệm các công trình bảo vệ môi trường

Tháng mười hai 1, 2021 - Danh mục: Tin tức

Kế hoạch vận hành thử nghiệm các công trình bảo vệ môi trường là gì?

Đối với các dự án thuộc đối tượng phải lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường, các thủ tục pháp lý tiếp theo sẽ là “Kế hoạch vận hành thử nghiệm các công trình bảo vệ môi trường” và “Báo cáo xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường”. Sau khi được phê duyệt Báo cáo ĐTM và hoàn thiện giai đoạn xây dựng, lắp đặt các công trình xử lý chất thải, Chủ dự án sẽ thực hiện công tác vận hành thử nghiệm các công trình BVMT song song với việc vận hành thử nghiệm nhà máy. Mục đích của việc vận hành thử nghiệm là để nhận biết được hiệu quả xử lý của các công trình bảo vệ môi trường mà mình đã lắp đặt và có kế hoạch điều chỉnh, sửa lỗi nếu chưa phù hợp. Đây là cũng giai đoạn quan trọng để Chủ dự án có thể thay đổi công nghệ xử lý chất thải phù hợp thực tế hơn so với những đề xuất trong Báo cáo ĐTM ban đầu. Sau thời gian vận hành thử nghiệm, Chủ dự án có trách nhiệm báo cáo kết quả vận hành thử nghiệm đến Cơ quan phê duyệt ĐTM để được xác nhận, trước khi triển khai các bước tiếp theo.

Dự án nào cần phải vận hành thử nghiệm các công trình bảo vệ môi trường? Điều kiện thực hiện?

Các dự án thuộc cột (4) Phụ lục II Mục I Nghị định 40/2019/NĐ-CP phải thực hiện Kế hoạch vận hành thử nghiệm các công trình bảo vệ môi trường khi bước vào giai đoạn vận hành thử nghiệm nhà máy.

Các dự án chỉ được tiến hành vận hành thử nghiệm khi đã hoàn tất các công trình xử lý chất thải theo Báo cáo ĐTM. Đối với các dự án thuộc đối tượng phải lắp đặt hệ thống quan trắc tự động, liên tục, Chủ dự án phải hoàn thiện việc công tác lắp đặt theo quy định.

  Hướng dẫn quan trắc môi trường không khí xung quanh

Kế hoạch vận hành thử nghiệm được triển khai thế nào?

Quy trình thực hiện việc vận hành thử nghiệm, thời gian và trách nhiệm của Chủ dự án và Cơ quan phê duyệt ĐTM như sau:

Nội dung công việc Chủ dự án Cơ quan phê duyệt ĐTM
Lập và nộp thông báo về Kế hoạch vận hành thử nghiệm. Nộp trước 20 ngày kể từ ngày bắt đầu vận hành thử nghiệm.
Kiểm tra các công trình xử lý chất thải Thực hiện kiểm tra trong 5 ngày kể từ ngày nhận được thông báo.
Phát hành Thông báo kết quả kiểm tra các công trình xử lý chất thải đã hoàn thành để vận hành thử nghiệm. Thực hiện trong 5 ngày kể từ ngày kiểm tra các công trình xử lý chất thải.
Tiến hành vận hành thử nghiệm. Trong 75 ngày (mỗi 5 ngày lấy mẫu 1 lần) cho từng công đoạn xử lý;
Lấy mẫu 7 ngày liên tục cho toàn bộ công trình xử lý.
Nộp kết quả vận hành thử nghiệm cho Cơ quan phê duyệt ĐTM Tổng hợp tất cả kết quả vận hành thử nghiệm theo mẫu và đính kèm phiếu kết quả phân tích nộp cho Cơ quan phê duyệt ĐTM.
Kiểm tra, lấy mẫu đối chứng với kết quả vận hành thử nghiệm của Chủ dự án. Cơ quan phê duyệt ĐTM được phép lấy mẫu 01 lần trong giai đoạn vận hành thử nghiệm làm cơ sở chấp thuận kết quả vận hành thử nghiệm của dự án.
Thông báo kết quả vận hành thử nghiệm. Khi kết quả vận hành thử nghiệm của dự án đảm bảo, Cơ quan phê duyệt ĐTM phát hành thông báo kết quả kiểm tra vận hành thử nghiệm trong thời gian 5 ngày kể từ ngày kết thúc vận hành thử nghiệm.

Công trình xử lý nào thì cần phải vận hành thử nghiệm?

Dự án chỉ tiến hành vận hành thử nghiệm đối với các công trình xử lý khí thải, bụi, nước thải; không vận hành thử nghiệm đối với các công trình xử lý chất thải.

Quy định về quan trắc chất thải trong giai đoạn vận hành thử nghiệm?

  • Phương pháp lấy mẫu: lấy mẫu tổ hợp. Mẫu tổ hợp được lấy trong 03 thời điểm khác nhau trong ngày hoặc 03 thời điểm khác nhau của ca sản xuất, trộn đều với nhau.
  • Thời gian đánh giá hiệu quả & hiệu suất từng công đoạn xử lý: ít nhất 75 ngày kể từ ngày bắt đầu vận hành thử nghiệm.
  • Tần suất quan trắc: tối thiểu 15 ngày/lần.
  • Vị trí quan trắc: tại đầu vào và đầu ra của từng công đoạn xử lý.
  • Thông số quan trắc: là tổng các thông số ô nhiễm được sử dụng để tính toán thiết kế cho cả công trình xử lý chất thải.
  Vi phạm quy định về quan trắc môi trường lao động thì bị xử lý như thế nào?

Quy định về lập Báo cáo xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường?

Các dự án thuộc cột (4) Phụ lục II Mục I Nghị định 40/2019/NĐ-CP, trước khi kết thúc giai đoạn vận hành thử nghiệm trong vòng 30 ngày, phải thực hiện Báo cáo hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường nộp cho Cơ quan phê duyệt ĐTM. Đối với các dự án không thuộc đối tượng phải thực hiện Báo cáo hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường thì phối hợp với đơn vị quan trắc môi trường để đánh giá hiệu quả xử lý của các công trình bảo vệ môi trường, sau đó thông báo kết quả hoàn thành công trình bảo vệ môi trường cho cơ quan đã phê duyệt Báo cáo ĐTM.

Căn cứ thực hiện Kế hoạch vận hành thử nghiệm và Báo cáo xác nhận hoàn thành công trình BVMT?

  • Luật Bảo vệ môi trường;
  • Nghị định 40/2019/NĐ-CP;
  • Thông tư 25/2019/TT-BTNMT;
  • Quyết định phê duyệt ĐTM.

Hồ sơ cần thiết phải có để lập Báo cáo xác nhận hoàn thành công trình BVMT?

  • Giấy chứng nhận đầu tư;
  • Giấy đăng ký kinh doanh;
  • Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc thay thế bằng: Hợp đồng thuê đất;
  • Quyết định phê duyệt ĐTM;
  • Thông báo công trình xử lý chất thải đủ điều kiện vận hành thử nghiệm;
  • Thông báo kế hoạch vận hành thử nghiệm;
  • Thông báo kết qủa kiểm tra giai đoạn vận hành thử nghiệm;
  • Bộ kết quả quan trắc chất thải trong giai đoạn vận hành thử nghiệm;
  • Bộ hồ sơ hoàn công các công trình xử lý chất thải bao gồm: thuyết minh kỹ thuật, bản vẽ chi tiết, CO/CQ của thiết bị.
  • Hợp đồng thu gom xử lý nước thải (nếu dự án nằm trong KCN), các hợp đồng về thu gom chất thải rắn, chất thải nguy hại;
  • Hồ sơ thiết kế, lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải/ nước thải tự động, liên tục.